THỊ TRƯỜNG XI MĂNG: GẠN ĐỤC KHƠI TRONG
(Xây dựng) – Trong 5 tháng đầu năm, tiêu thụ xi măng cả nội địa và xuất khẩu đều giảm, tồn kho tăng cao nhất trong nhiều năm qua khiến các doanh nghiệp xi măng đau đầu tìm phương án vượt qua khó khăn như “thắt lưng buộc bụng” để tiết giảm chi phí, đẩy mạnh các chương trình đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh công tác thị trường… Đây cũng là giai đoạn thị trường “gạn đục khơi trong”, những doanh nghiệp yếu kém sẽ bị bỏ lại phía sau.
Ảnh minh họa. |
Áp lực tồn kho tăng lên
Dịch Covid-19 diễn ra ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu và Việt Nam, trong đó có ngành Xi măng Việt Nam. Khó khăn chồng chất khi tiêu thụ xi măng giảm, nguồn cung xi măng trong nước tăng, xuất khẩu xi măng gặp khó khăn, áp lực tồn kho clinker tăng khiến các thương hiệu xi măng cạnh tranh khốc liệt.
Con số thống kê gần đây cho thấy 5 tháng qua, tiêu thụ của các doanh nghiệp xi măng bị ảnh hưởng, giảm trên 10% so với cùng kỳ. Tiêu thụ trong nước giảm, xuất khẩu tiếp tục giảm, tồn kho của ngành Xi măng cao nhất trong nhiều năm nay. Tính tới cuối quý I/2020, tồn kho là 4,8 triệu tấn, tương đương 30 - 45 ngày tiêu thụ. FPTS đưa dự báo về mức tồn kho xi măng trong năm 2020 có thể lên tới 8 triệu tấn, trong khi giá bán xi măng tại 3 miền Bắc, Trung, Nam đều trên đà giảm lần lượt là 3,3%, 4,1% và 1,5% so với cùng kỳ.
Nhưng theo Chủ tịch Hội đồng thành viên VICEM Bùi Hồng Minh, cạnh tranh bằng cách giảm giá bán là cách bào mòn lợi nhuận doanh nghiệp, tốn tài nguyên của đất nước. VICEM không đi theo mô hình này.
Thị trường xi măng “gạn đục khơi trong”
Cũng theo Chủ tịch Hội đồng thành viên VICEM, trong bối cảnh hiện nay, doanh nghiệp xi măng nào đã có thương hiệu thị trường tốt, quản trị hiệu quả, vốn vay ít… quy mô nhà máy đủ lớn (quy mô lý tưởng nhất 5 - 7 triệu tấn/năm) mới đủ sức cạnh tranh và đứng vững trên thị trường. Những doanh nghiệp yếu kém, quy mô nhỏ sẽ bị bỏ lại phía sau.
Chính những áp lực từ thị trường và nội tại các doanh nghiệp, buộc doanh nghiệp xi măng phải tái cấu trúc toàn diện, áp dụng khoa học công nghệ và các chương trình đổi mới sáng tạo vào sản xuất, nâng cao năng suất lao động, khả năng cạnh tranh, chiến lược kinh doanh linh hoạt, phù hợp, thường xuyên rà soát đánh giá tình hình thị trường để có chính sách bán hàng phù hợp. Thị trường xi măng đang tiếp tục “gạn đục khơi trong” để thời gian tới sẽ chuyên nghiệp và minh bạch hơn. Các doanh nghiệp có chiến lược riêng để giữ vững thị phần tại địa bàn cốt lõi, tìm kiếm thị trường mới và gia tăng độ phủ.
Về xuất khẩu, ngoài thị trường xuất khẩu truyền thống, các doanh nghiệp xuất khẩu xi măng tìm kiếm thị trường mới như Mỹ, Australia, New Zealand để tăng cường giá trị xuất khẩu, giảm bớt áp lực thị trường trong nước.
Source: baoxaydung.com.vn