THÀNH LẬP TP THỦ ĐỨC PHẢI TRÁNH BÀI HỌC SAI LẦM VỀ QUY HOẠCH
Ba quận 2, 9 và Thủ Đức - nơi hình thành TP Thủ Đức - nằm trên bờ sông Đồng Nai và sông Sài Gòn, có vị thế rất đẹp nên yếu tố quy hoạch khi thực hiện đề án này cực kỳ quan trọng.
Chia sẻ với Zing về Đề án thành lập TP Thủ Đức - một trong bốn đề án đột phá của TP.HCM, cựu đại biểu Trần Du Lịch (nguyên Viện trưởng Viện kinh tế TP.HCM, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng) nhấn mạnh thành phố này có đi đúng mục tiêu hay không phụ thuộc vào hai điều kiện rất quan trọng.
Quy hoạch phải đặt lợi ích của dân lên trước
Điều kiện đầu tiên được tiến sĩ Trần Du Lịch nhấn mạnh là công tác quy hoạch. Ba quận: 2, 9 và Thủ Đức - nơi sẽ hình thành TP Thủ Đức - nằm trên hai bờ sông Đồng Nai và sông Sài Gòn, có vị thế rất đẹp. Hơn nữa, định hướng nơi đây sẽ trở thành đô thị hiện đại, thông minh, gắn với sáng tạo nên quy hoạch là yếu tố cực kỳ quan trọng.
“Lập quy hoạch phải có tầm nhìn dài hạn, tránh những bài học sai lầm đã mắc phải trước đây hay tình trạng lập quy hoạch rồi sửa. Quy hoạch xong phải chấp hành, thực hiện và triển khai nghiêm túc”, ông Lịch nói. Ông lưu ý “quy hoạch một thành phố phải khác quy hoạch của ba quận”.
Tiến sĩ Trần Du Lịch nhấn mạnh thành phố Thủ Đức có đi đúng mục tiêu hay không phụ thuộc vào hai điều kiện rất quan trọng, trong đó có vấn đề quy hoạch. Ảnh: Hoàng Hà. |
Ông Lịch nhấn mạnh quy hoạch luôn là vấn đề rất lớn. Với một khu đô thị hình thành trên địa bàn phần lớn là đất nông nghiệp thì điểm mấu chốt, cần quan tâm đầu tiên chính là lợi ích của người dân nơi đây. “Người dân trên địa bàn này phải là người được hưởng lợi trước hết. Khi đó, họ nhất định sẽ đồng thuận, ủng hộ chủ trương”, ông Lịch nêu quan điểm.
Yếu tố thứ hai được ông đề cập, đó là việc xây dựng bộ máy chính quyền hiệu quả, tăng tính chủ động để phát huy các lợi thế, tiềm năng sẵn có.
Nguyên Viện trưởng Viện kinh tế TP.HCM cho biết chủ trương xây dựng thành phố Thủ Đức trên cơ sở sắp xếp ba quận 2, 9 và Thủ Đức (thuộc huyện Thủ Đức cũ) là chủ trương có từ năm 2007, khi TP.HCM xây dựng chính quyền đô thị.
Mục tiêu trước hết là để quy hoạch tổng thể một địa bàn mà vị trí địa lý, tiềm năng, điều kiện phát triển hội tụ đủ thành đô thị loại I.
“Việc tạo nên một thành phố như vậy thay vì những quận trực thuộc theo kiểu hành chính như hiện nay sẽ tăng tự chủ của đô thị, để phát huy yếu tố năng động, sáng tạo”, ông Lịch nhấn mạnh.
Một lợi thế rất lớn được ông đề cập, đó là nơi đây có khu Trung tâm tài chính Thủ Thiêm và Khu đô thị mới Thủ Thiêm là hạt nhân. Bên cạnh đó còn có khu công nghệ cao và cụm các trường đại học, gồm cả Đại học quốc gia TP.HCM. “Từ đây sẽ hình thành một phần của khu đô thị công nghệ, đổi mới và sáng tạo, là đòn bẩy để đóng góp vào sự phát triển chung của TP.HCM”, ông Lịch kỳ vọng.
Cũng theo nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế TP.HCM, mô hình tổ chức bộ máy của thành phố Thủ Đức chắc chắn sẽ tinh gọn, năng động, hiệu quả hơn thay vì bộ máy của ba quận.
Tại TP Thủ Đức có Khu đô thị mới Thủ Thiêm - nơi sẽ hình thành Trung tâm tài chính quốc tế, và Khu đô thị Trường Thọ - dự kiến sẽ là trung tâm thành phố. Ảnh: Quỳnh Danh. |
“Với nhiều lợi thế như vậy, nơi đây sẽ có nhiều tiềm năng để phát triển các thế mạnh, tăng sự năng động, sáng tạo, phù hợp với xu thế phát triển của tương lai”, ông Lịch nói.
Chưa bàn đến cơ chế, chính sách đặc thù cần có cho đơn vị hành chính này, song nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế TP.HCM lưu ý cần tăng tính tự chủ của thành phố mới, phân quyền nhiều hơn trong từng lĩnh vực để tăng tính năng động, sáng tạo, đặc biệt, bớt được cơ chế xin - cho.
Là một công dân sống trên địa bàn này, ông Lịch kỳ vọng khi thành phố Thủ Đức được thành lập sẽ thực hiện tốt hơn các phúc lợi cho người dân.
Bộ máy chính quyền tinh gọn
Hồi cuối tháng 7, khi Thành ủy, UBND TP.HCM tổ chức hội nghị lấy ý kiến các cơ quan của Quốc hội về 3 Đề án quan trọng của thành phố, đa số ý kiến đều thể hiện quan điểm ủng hộ Đề án thành lập thành phố Thủ Đức trên cơ sở sắp xếp quận 2, 9 và Thủ Đức.
Các đại biểu kỳ vọng việc thành lập đơn vị hành chính này sẽ tạo ra cú hích cho phát triển của TP.HCM và cả nước.
Ủng hộ đề án, song Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề nghị làm rõ hiệu quả khai thác đất đai đô thị vùng ven đô. Bên cạnh đó, ông muốn làm rõ các yếu tố để xác định hướng phát triển và những cơ chế, chính sách cần có cho TP Thủ Đức.
Đặc biệt, cần có quy hoạch bài bản, đồng bộ để thu hút đầu tư, tính cả trong mối liên kết với các khu vực xung quanh. Ông Thanh dẫn chứng bài học kinh nghiệm của Quảng Ninh có quy hoạch rất bài bản, do đó thu hút đầu tư rất tốt.
Thành phố Thủ Đức được kỳ vọng sẽ đóng góp 30% tăng trưởng kinh tế cho TP.HCM. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Đại biểu Quốc hội Đinh Văn Nhã (Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách) cho rằng TP Thủ Đức sẽ là một động lực đóng góp vào sự phát triển chung của TP.HCM.
Theo Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách, vì là đơn vị hành chính mới nên tổ chức bộ máy của TP Thủ Đức cần chú ý tinh gọn, tăng tính chủ động, sáng tạo và hiệu quả.
Đặc biệt, khi xây dựng đề án cần tính tới yếu tố quy hoạch, ranh giới đất đai thận trọng, không gây bức xúc vì đây là vấn đề nhạy cảm, liên quan tới lợi ích của người dân.
Đề án thành lập TP Thủ Đức là một trong bốn đề án đột phá của TP.HCM vừa được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ủng hộ. Theo Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân, nơi đây sẽ hình thành vùng động lực cho TP.HCM phát triển, hình thành khu đô thị sáng tạo của thành phố.
Ông Nhân cho biết TP Thủ Đức có diện tích lớn hơn cả 13 quận khác cộng lại, dân số hơn 1 triệu người, dự báo trước năm 2030 sẽ hơn 2 triệu, đóng góp 1/3 kinh tế cho TP.HCM. Ba quận phía đông của TP được lựa chọn để phát triển thành hạt nhân sáng tạo, hình thành một vùng tăng trưởng mới, trở thành khu vực dẫn dắt kinh tế với mũi nhọn là ngành kinh tế tri thức, trung tâm đổi mới sáng tạo
Theo Zing.vn