HÀ NỘI: ĐỀ NGHỊ QUẢN LÝ DIỆN TÍCH TẦNG 1 NHÀ TÁI ĐỊNH CƯ THEO ĐÚNG MỤC ĐÍCH, KHÔNG ĐƯỢC CHO THUÊ, KI
(Xây dựng) - UBND Thành phố Hà Nội vừa ban hành công văn về quản lý, sử dụng phần diện tích thuộc sở hữu Nhà nước được bố trí làm nhà sinh hoạt cộng đồng tại các chung cư tái định cư xây dựng bằng vốn ngân sách trên địa bàn thành phố. Cụ thể, yêu cầu các xã, phường, thị trấn khi tiếp nhận tài sản công là diện tích nhà tầng 1 nhà tái định cư có trách nhiệm quản lý theo đúng mục đích, không được sử dụng vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet). |
Xét đề nghị của Sở Tài chính tại về việc quản lý tài sản là nhà sinh hoạt cộng đồng được bố trí từ phần diện tích nhà tầng 1 thuộc sở hữu Nhà nước tại chung cư tái định cư, UBND Thành phố giao UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo UBND xã, phường, thị trấn sau khi tiếp nhận tài sản công là diện tích nhà tầng 1 thuộc sở hữu Nhà nước tại chung cư tái định bố trí sử dụng nhà sinh hoạt cộng đồng, quản lý, sử dụng và kê khai, báo cáo theo chế độ quản lý, sử dụng tài sản công tại cơ quan Nhà nước quy định.
Đồng thời, có trách nhiệm quản lý nhà sinh hoạt cộng đồng này theo đúng mục đích, không được sử dụng vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết.
Chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng thường xuyên kiểm tra, giám sát để đảm bảo việc quản lý, sử dụng nhà sinh hoạt cộng đồng đúng quy định của pháp luật hiện hành; kịp thời phát hiện, ngăn ngừa và xử lý các vi phạm trong quản lý, sử dụng nhà sinh hoạt cộng đồng theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, UBND Thành phố giao Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn UBND các quận, huyện, thị xã (bao gồm cả UBND các xã, phường, thị trấn) các thủ tục về đất đai theo quy định đối với diện tích nhà tầng 1 thuộc sở hữu Nhà nước tại chung cư tái định cư giao UBND xã, phường, thị trấn quản lý, bố trí sử dụng làm nhà sinh hoạt cộng đồng.
Về việc vận hành, bảo trì, sửa chữa đối với nhà sinh hoạt cộng đồng được thực hiện theo pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư và pháp luật khác có liên quan. Nguồn kinh phí vận hành, bảo trì, sửa chữa do cộng đồng dân cư tại chung cư tái định cư đóng góp; hỗ trợ từ ngân sách địa phương theo phân cấp (nếu có) và các nguồn hợp pháp khác theo quy định.
Trong quá trình thực hiện, nếu phát sinh khó khăn vướng mắc, các cơ quan, đơn vị phản ánh về Sở Tài chính và Sở Xây dựng để được hướng dẫn thực hiện hoặc báo cáo UBND Thành phố đối với các nội dung vượt thẩm quyền.
Trước đó, tại nhiều khu chung cư tái định cư ở Hà Nội, diện tích tầng 1 được đơn vị quản lý cho thuê để kinh doanh khi chưa được sự chấp thuận của UBND Thành phố Hà Nội.
Cụ thể, theo báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội, Công ty TNHH MTV Quản lý và phát triển nhà Hà Nội được Thành phố Hà Nội giao quản lý 148 tòa nhà tái định cư. Trong đó, diện tích kinh doanh tầng 1 lên đến 56.937m2.
Tuy nhiên, trong quá trình quản lý, Công ty TNHH MTV Quản lý và phát triển nhà Hà Nội đã tự ý bố trí cho 21 cá nhân, đơn vị vào sử dụng 4.038m2 để kinh doanh khi chưa được sự chấp thuận của UBND Thành phố Hà Nội. Đáng nói là toàn bộ số tiền cho thuê diện tích này là hơn 20 tỷ đồng đã không được nộp vào ngân sách Nhà nước.
Cụ thể, từ năm 2010 - 2016, Công ty TNHH MTV Quản lý và phát triển nhà Hà Nội đã sử dụng cho thuê bất hợp pháp diện tích tầng 1 tại 27 tòa nhà tái định cư gồm: Nhà N4CD (Trung Hòa, Nhân Chính, Thanh Xuân); tòa A2-A3-A4 Đền Lừ (Hoàng Mai); N14A Định Công (Hoàng Mai); N06 Pháp Vân - Tứ Hiệp; nhà N6C Trung Hòa - Nhân Chính; nhà B3 Nghĩa Đô - Dịch Vọng; N11B Dịch Vọng, Cầu Giấy; nhà tái định cư Xuân La; C10 Dịch Vọng; nhà A1, A2 Phú Thượng; nhà CT2 - X2 - CT1 - X2 Bắc Linh Đàm; Nhà N14B, 14C Định Công; N1 Đồng Tàu… để cho thuê kinh doanh.