ĐƯỜNG CAO TỐC THỜI TẦN THỦY HOÀNG KHIẾN THẾ GIỚI SỬNG SỐT
(Xây dựng) - Công trình được Tần Thủy Hoàng ra lệnh xây dựng cách đây hơn 2.000 năm khiến hậu thế bất ngờ vì hoàn thành chỉ trong một thời gian rất ngắn mà giá trị mang lại vô cùng to lớn. Các nhà nghiên cứu đều nhận định rằng đây có thể là đường bộ cao tốc được xây dựng sớm nhất thế giới với quy mô lớn.
Công trình đường cao tốc thời Tần Thủy Hoàng khiến thế giới sửng sốt. |
Tần Thủy Hoàng là vị hoàng đế đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc. Mặc dù nhà Tần chỉ tồn tại trong khoảng thời gian ngắn ngủi, nhưng lại có tầm ảnh hưởng lớn tới các triều đại sau này. Bên cạnh những công trình khổng lồ ghi dấu ấn hàng nghìn năm như Vạn Lý Trường Thành, lặng mộ kỳ bí, triều đại của Tần Thủy Hoàng còn khiến cả thế giới kinh ngạc khi xây dựng con đường xa lộ có tên là Tần Trực Đạo vào thời cổ đại chỉ mất một thời gian rất ngắn. Chỉ trong vòng hai năm rưỡi, con đường này đã được hoàn thành. Điều này gây không ít kinh ngạc cho các kiến trúc sư cầu đường trên thế giới. Đó là một điều không dễ dàng trong bối cảnh khoa học, kỹ thuật thời đó.
Con đường có tổng chiều dài khoảng 900 km nhưng nếu chỉ tích đoạn gấp khúc vòng qua núi qua sông thì là khoảng 700 km (vì thế có sử sách chỉ ghi lại phần qua núi sông là dài 700 km), hơn một nửa kiến trúc xà cầu là ở trên đỉnh núi, một phần nhỏ còn lại là xây dựng trên thảo nguyên và sa mạc. Tại trục đường chính có thể xếp 12 chiếc xe tải lớn thành hàng ngang hoặc 50 ôtô con cùng đi một lúc. Vị trí mặt đường rộng nhất có thể làm sân đỗ và cất cánh của một chiếc máy bay cỡ trung thời hiện đại. Con đường chạy qua cả những địa hình đa dạng như đồng bằng, núi, đồng cỏ và sa mạc. Đây là con đường cao tốc đầu tiên trong quốc gia này và đã tồn tại hơn 2.000 năm.
Theo ghi chép trong cuốn "Sử ký" của một sử gia nổi tiếng thời nhà Hán, Tần Thủy Hoàng đã ra lệnh xây dựng một con đường cao tốc trải dài từ huyện Thuần Hóa cho tới Bao Đầu. Tần Thủy Hoàng quyết định xây dựng con đường này để phục vụ cho lợi ích về mặt quân sự nhằm ngăn cản quân xâm lược. Vì vậy nó được xây dựng ngay từ những năm đầu thống nhất Trung Quốc thời cổ đại.
Do địa hình nơi đó rất phức tạp gập ghềnh nên việc xây dựng gặp nhiều khó khăn và tốn nhiều thời gian so với dự tính ban đầu. Một phần lớn của con đường này được xây dựng trên núi và để xây dựng một xa lộ trên địa hình phức tạp như vậy, các nhà xây dựng thời cổ đại sẽ phải vận dụng hình thức thiết kế rất khôn khéo với kỹ thuật đo lường, thăm dò địa chất, tính toán thời tiết một cách chính xác. Con đường cao tốc rộng khoảng 20 - 60 m và đi qua 14 huyện.
Theo các chuyên gia, con đường này có sự kỳ bí thể hiện ở những kết nối "huyết mạch" như kiểu tuyến phòng thủ quân sự ở thành Hàm Dương và khu vực biên giới của nhà Tần. Người ta phân tích, rằng nếu khu vực phòng thủ gặp nguy hiểm, họ sẽ báo cáo tình trạng khẩn cấp và sẽ có một đội binh lính được điều động hỏa tốc từ kinh đô Hàm Dương tới nơi này chỉ trong 3 ngày 3 đêm nhờ con đường có vị trí đắc địa này.
Khi có chiến sự, quân đội nhà Tần mất khoảng một tuần để chuẩn bị những thứ cần thiết bao gồm cả việc tổ chức, dàn trận, tập kết lương thực, vũ khí, lựa chọn đội quân tinh nhuệ. Bên cạnh đó, con đường cao tốc này đóng vai trò tối trọng trong việc kết nối văn hóa và kinh tế giữa khu vực biên giới với kinh đô Hàm Dương.
Các nhà nghiên cứu cho rằng, sự kỳ bí của con đường này chính là chủng loại đất được sử dụng để xây dựng con đường. Đó chính là đất nén. Lượng đất được sử dụng ban đầu được nghiền nát, sau đó được nung lên và nén lại. Bằng cách này, nguyên liệu đất nén trở nên rắn chắc như là bê tông. Chính vì lẽ đó nên cỏ dại hoặc các hạt giống cây không thể phát triển và phá vỡ con đường này. Con đường trở nên sạch sẽ, quang đãng bất chấp thời gian. Con đường cao tốc được xây dựng trong một thời gian rất nhưng lại đạt được chất lượng rất tốt, khiến cho ngay cả những chuyên gia cầu đường ngày nay cũng phải ngạc nhiên.
Theo Baoxaydung.com.vn