DN ĐỊA ỐC PHÍA NAM KHÔNG CÒN PHẢI RA BỘ XÂY DỰNG ĐỂ THẨM ĐỊNH THIẾT KẾ
Các chủ đầu tư dự án nhà ở có quy mô 30 tầng hoặc chiều cao không quá 100 mét, trên địa bàn TPCHM, Cần Thơ và 17 tỉnh thuộc miền Đông Nam bộ và miền Tây Nam bộ không còn phải ra Bộ Xây dựng để thẩm định thiết kế như trước đây.
Việc Quốc hội thông qua Luật Xây dựng (sửa đổi) ngày 17/6 với nhiều nội dung mới sẽ giúp doanh nghiệp giảm được chi phí đi lại và thời gian thẩm định.
Ngày 19/6, trao đổi với Tiền Phong, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) cho biết, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng, với 92,96% đại biểu có mặt tán thành. Theo đó, Luật Xây dựng (sửa đổi) đã giảm bớt bước thẩm định thiết kế sau thiết kế cơ sở của các công trình xây dựng trong dự án nhà ở. Công tác thẩm định thiết kế sau thiết kế cơ sở được tích hợp khi thực hiện thủ tục cấp giấy phép xây dựng.
Quy định mới này, đã khắc phục bất cập của Luật Xây dựng 2014. Ví dụ, đối với trường hợp dự án nhà ở có công trình cấp 1 (trên 24 tầng) thì trước đây, chủ đầu tư phải trình Cục Quản lý hoạt động xây dựng Bộ Xây dựng thẩm định “bước thẩm định thiết kế cơ sở rồi phải thực hiện bước thẩm định thiết kế kỹ thuật sau thiết kế cơ sở, cuối cùng mới được Sở Xây dựng cấp Giấy phép xây dựng.
Việc thẩm định thiết kế công trình cấp 1 có chiều cao không quá 100m, trên địa bàn TPHCM, Cần Thơ và 17 tỉnh thuộc miền Đông Nam bộ và miền Tây Nam bộ sẽ do Cục Công tác phía Nam của Bộ Xây dựng thực hiện.
Mới đây, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã ban hành Quyết định số 768/QĐ-BXD cho phép Cục Công tác phía Nam của Bộ Xây dựng được thực hiện công tác của cơ quan chuyên môn về xây dựng bao gồm “Thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công theo phân cấp và theo quy định của pháp luật đối với công trình cấp 1 là nhà hoặc kết cấu dạng nhà có quy mô đến 30 tầng hoặc chiều cao không quá 100m”.
Như vậy, các chủ đầu tư dự án nhà ở có công trình cấp 1 là nhà hoặc kết cấu dạng nhà có quy mô đến 30 tầng hoặc chiều cao không quá 100m, trên địa bàn TPHCM, Cần Thơ và 17 tỉnh thuộc miền Đông Nam bộ và miền Tây Nam bộ không còn phải ra Bộ Xây dựng để thẩm định thiết kế như trước đây.
Ngoài ra, một điểm đáng chú ý nữa được quy định trong Luật Xây dựng (sửa đổi) là việc quy định rõ thời gian thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi. Trong đó, đối với dự án quan trọng quốc gia, thời gian thẩm định thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư công.
Đối với dự án nhóm A, thời gian thẩm định không quá 40 ngày, trong đó thời gian thẩm định của cơ quan chuyên môn về xây dựng không quá 35 ngày.
Dự án nhóm B, thời gian thẩm định không quá 30 ngày, trong đó thời gian thẩm định của cơ quan chuyên môn về xây dựng không quá 25 ngày.
Dự án nhóm C, thời gian thẩm định không quá 20 ngày, trong đó thời gian thẩm định của cơ quan chuyên môn về xây dựng không quá 15 ngày. Luật Xây dựng sửa đổi sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2021.
Theo Tiền Phong